
CHUYỆN ACCOUNT: 3 ĐIỀU PHẢI BIẾT KHI NHẬN BRIEF
Chắc hẳn nếu bạn đang theo học ngành Truyền thông – Marketing, hoặc đang trong kỳ thực tập ở một Agency nào đó, thì “brief” là từ khóa mà bạn sẽ được nghe rất nhiều. Làm Account, nhận brief là chuyện cơm bữa. Nhưng… nhận brief sao cho đúng, hiểu brief sao cho sâu thì không phải ai cũng làm được.
Và dưới đây là 3 điều quan trọng nhất mà một bạn Account cần biết khi nhận brief từ khách hàng, chia sẻ nhẹ nhàng đến từ kinh nghiệm thực chiến của mình!
Mục lục bài viết
1. Mục đích thật sự của khách hàng là gì?
Khách hàng đến với Agency không đơn thuần vì họ muốn “làm một TVC”, “chạy một chiến dịch”, hay “post bài Facebook cho đều”. Điều bạn cần phải hiểu sâu hơn là:
- Khách hàng đang gặp phải vấn đề gì với thương hiệu của họ?
- Có điều gì khiến họ trăn trở mãi chưa giải quyết được?
- Họ đang đặt ra mục tiêu mới cho năm nay và cần một đối tác cùng đồng hành

2. Phạm vi công việc (Scope of work) là gì?
Trong một dự án, khách hàng có thể làm việc với nhiều Agency cùng lúc. Chính vì vậy, bạn cần xác định rõ ràng phần công việc mà đội ngũ của bạn sẽ đảm nhận. Điều này giúp tránh được tình trạng chồng chéo công việc hoặc mơ hồ khi nhận về một brief mà chẳng rõ rốt cuộc mình phải làm những gì cụ thể.

Scope of work càng rõ ràng, kế hoạch càng thực tế và dễ triển khai.
3. Ngân sách: Bao nhiêu là đủ?
Một câu hỏi quan trọng, đôi khi cũng khá nhạy cảm, nhưng vô cùng cần thiết: Ngân sách của khách hàng là bao nhiêu?
Việc hiểu rõ ngân sách sẽ giúp bạn có những quyết định đúng đắn về việc phân bổ tài nguyên và ưu tiên công việc nào là quan trọng nhất để đạt được mục tiêu của khách hàng. Nếu ngân sách chỉ có 100 triệu, bạn không thể vẽ ra một kế hoạch trị giá 1 tỷ.
Ngược lại, nếu ngân sách lớn, bạn có thể thiết kế một kế hoạch toàn diện hơn, với nhiều yếu tố sáng tạo và các phương án tối ưu nhất cho khách hàng.

Tình huống thực tế: Khi brief không rõ ngay từ đầu
Hoạt động trong ngành Agency, có thể bạn sẽ gặp phải tình huống: khách hàng đã duyệt bản đề xuất (proposal) nhưng trong lúc triển khai lại bất ngờ đưa ra thêm kỳ vọng, chẳng hạn như “tăng clip”, “nhiều lượt check-in hơn”, “đẩy mạnh doanh số”, …
Là một Account, bạn phải thật tỉnh táo để nhận ra đây là sự sai lệch trong kỳ vọng ngay từ đầu. Lẽ ra họ phải nói rõ ngay từ khi brief, để đội ngũ có thể đưa ra một kế hoạch phù hợp. Nếu giữa chừng họ mới bổ sung thêm kỳ vọng, thì rõ ràng đó là kỳ vọng “phát sinh” và không đúng với định hướng ban đầu đã duyệt.

Tuy nhiên, thay vì phản ứng tiêu cực, bạn vẫn có thể chủ động đề xuất thêm các giải pháp giúp khách hàng đạt được những mong muốn đó – ví dụ như phân bổ thêm ngân sách, điều chỉnh nội dung cho sát hơn với hành vi người dùng,…
Đây cũng là cách giải quyết khéo léo để bạn giúp khách hàng đánh giá xem có nên đầu tư thêm tiền vào dự án hay không để đạt được mục tiêu họ kỳ vọng.
Kết luận
Đối với Account, kỹ năng giao tiếp, sự linh hoạt và khả năng tổ chức là những kỹ năng mềm cần thiết – nhưng mình tin hiểu đúng brief là bước đầu tiên quyết định phần lớn thành bại của dự án.
Và để hiểu đúng, 3 điều bạn phải nắm thật kĩ chính là:
- Mục tiêu thật sự của khách hàng
- Phạm vi công việc rõ ràng
- Ngân sách cụ thể
Mình hy vọng chia sẻ nhỏ này sẽ giúp các bạn sinh viên hoặc thực tập sinh đang tìm hiểu về công việc Account có thêm góc nhìn thực tế. Chúc các bạn sớm chạm tay vào những dự án đầu tiên đầy tự tin!
Liên quan:
Chuyện Account: Chuyển tiếp đơn thuần hay nghệ thuật kết nối?